Tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào

28/07/2022 09:28
Đang đào đất tìm hài cốt liệt sĩ ở dưới ngôi mộ tập thể, nhóm của thiếu tá Nguyễn Văn Sơn lập tức đứng dạt sang hai bên khi xẻng suýt va trúng ba quả đạn B41.

Chiều trung tuần tháng 7, ngồi lọc thông tin về bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh tại Lào để chuẩn bị cho đợt quy tập hài cốt vào mùa khô 2022-2023, thiếu tá Nguyễn Văn Sơn, cán bộ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh lặng người, mắt đỏ hoe khi lướt qua bức ảnh chụp phần mộ của một liệt sĩ không tên. Có rất nhiều chiến sĩ có tên lẫn không tên nằm lại xứ sở Triệu Voi. Đơn vị ông Sơn đang cố gắng tìm kiếm, đưa hài cốt trở về với đất mẹ, trong bối cảnh mọi dấu vết ngày càng mờ.

Tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào

Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn kể về quá trình quy tập hài cốt liệt sĩ tại Lào. Ảnh: Đức Hùng

Mùa khô tại Lào khắc nghiệt, nắng chói chang, gió phơn thổi rát mặt. Tuy nhiên, chỉ dịp này mới thuận lợi cho công tác quy tập, bởi ở Lào đường nhựa ít, chủ yếu đường đất, mưa xuống phương tiện không thể leo dốc, việc hành quân đường rừng gặp cản trở. Hàng năm, Đội quy tập hài cốt liệt sĩ Hà Tĩnh tổ chức hai đợt tìm kiếm tại hai tỉnh Bôlykhămxay và Vientiane. Đợt một từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Đợt hai từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 5.

Đội chia làm nhiều hướng, mỗi mũi khoảng 6-8 cán bộ. Những năm trước, họ được nghỉ phép, về thăm gia đình dịp Tết. Từ khi Covid-19 xảy ra, tất cả ăn ở tập trung tại doanh trại ở Lào để làm nhiệm vụ, bắt đầu mùa mưa mới trở về.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được triển khai theo nhiều kênh, thứ nhất là dựa vào những sơ đồ chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam. Tiếp đến là thông tin từ các cựu binh Việt Nam và Lào. Thứ ba là thông qua các già làng, trưởng bản ở Lào. Một kênh quan trọng khác là tìm gặp những người ngày xưa tham gia nội chiến Lào (thường gọi là Phỉ), song rất khó tiếp cận. Thấy bộ đội Việt Nam, họ thường bỏ đi và không hợp tác.

Trước mỗi đợt quy tập, đội của thiếu tá Sơn sẽ thu thập thông tin, địa điểm các phần mộ, sau đó lên kế hoạch xử lý chi tiết dài hạn trong nửa năm. Với những chiến sĩ mới, họ được đào tạo một khóa học tiếng Lào cơ bản gần hai tháng để thuận lợi trong giao tiếp, thu thập tư liệu từ người bản địa.

"Thông tin mộ dựa theo bản đồ chỉ tương đối, để chính xác cần sự hợp sức của người bản địa, vì họ hiểu trận địa, biết rõ nơi hy sinh. Tuy nhiên, hiện các trưởng bản, cựu binh người Lào đã 75-80 tuổi, không còn minh mẫn. Một số già làng kể lại cho con cháu để giúp đỡ chính quyền tìm mộ, song dữ liệu gián tiếp thường hay bị lệch nên đơn vị đang đẩy nhanh công tác quy tập", thiếu tá Sơn nói.

Tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào

Quy tập hài cốt liệt sĩ tại Lào. Video: Đức Lê

Mộ phần liệt sĩ thường nằm ở vùng hẻo lánh. Trước kia, Lào chưa đóng cửa rừng, các đội quy tập được hành quân cơ giới nên thuận lợi. Hiện Lào đã đóng cửa rừng, khi ôtô chở đến bản, bộ đội phải nhờ một hoặc hai già làng dẫn đường, mỗi đợt đi bộ 3-5 km.

Mỗi cuộc tìm kiếm có khi diễn ra một buổi, có lúc là ba ngày, có lần hơn 10 ngày mới trở về doanh trại. Mỗi cán bộ phải mang theo balô đựng 25 kg hành lý, gồm quân tư trang, dụng cụ như cuốc, xẻng, bao tay, bao gói hài cốt... Họ thường chọn những nơi có khe nước để nấu ăn, mắc võng dựng lán nghỉ ngơi lấy sức.

Kinh nghiệm nhiều năm làm nhiệm vụ quy tập, thiếu tá Nguyễn Văn Sơn cho hay mộ phần liệt sĩ được chôn cất theo nhiều phương thức. Nếu chiến sĩ nào hy sinh mà được đồng đội đùm tăng võng chôn cất, thông thường bên cạnh sẽ có một lọ thuốc kháng sinh tetracyclin, phía trong đựng mẩu giấy ghi tên tuổi quê quán, trên hai đầu mộ được đánh dấu bởi 4-5 viên đá lớn nhằm phục vụ cho công tác tìm kiếm về sau, mộ sâu khoảng 80 cm đến một mét.

Còn những ai bị phục kích trên đường đi trinh sát, xung quanh không có đồng đội nhìn thấy, thi thể sau đó sẽ được dân bản đào hố nông chôn cất thô sơ, lấp ít đất đá và bỏ cành cây lên trên. Việc tìm kiếm những hài cốt này rất vất vả.

Tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào

Bộ đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào. Ảnh: Đức Lê

Thi thể của bộ đội Việt Nam thường nằm tại vùng núi địa hình hiểm trở của Lào, không ít lần đi tìm kiếm đoàn công tác của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh đã mắc kẹt trong rừng sâu. Thiếu tá Sơn nhớ mãi kỷ niệm cuối năm 2021, đoàn công tác đi tìm phần mộ của 10 bộ đội hy sinh tại bản vùng cao của tỉnh Bôlykhămxay. Chuyến đi dự kiến 5 ngày, ban đầu thời tiết đẹp. Đến ngày thứ hai, lúc đang leo dốc thì trời đổ mưa bất chợt khiến các lối mòn trơn trượt không thể đi tiếp, sên, vắt xuất hiện. Họ buộc phải dựng lán ngay giữa rừng để tạm trú.

Tưởng đó là một cơn giông, không ngờ do ảnh hưởng bởi trận bão ở Việt Nam, những ngày sau đó trời mưa tầm tã, nước từ thượng nguồn trút xuống, cuốn trôi lán, xoong nồi, bát đũa, tư trang của chiến sĩ. Không còn thực phẩm, chỉ sót lại ít lương khô, suốt một tuần các già làng đã tìm kiếm măng, lá, quả rừng để bộ đội ăn, uống nước suối cho qua bữa. Ngày thứ chín trời tạnh, họ mới đi ra khỏi bìa rừng, ai cũng đói, phờ phạc. Chuyến đi bất thành, bộ đội đành lùi kế hoạch tìm mộ sang năm sau.

Mộ phần của liệt sĩ Việt Nam hiện bị bồi lấp nên bằng phẳng, có chỗ lõm xuống khoảng 5-7 cm. Mùa khô năm 2019, tại vùng núi tỉnh Vientiane, tổ công tác phát quang cây cối, đào đất với bán kính hơn 3 m để tìm mộ. Dùng xẻng đào xuống độ sâu hơn một mét, đất được xới tung lên, lộ ra ba vật thể lạ màu xanh. "Đạn B41", thiếu tá Sơn hô lớn. Lập tức, nhóm quy tập dạt ra hai bên, gọi đội xử lý bom mìn tới hỗ trợ, xử lý thành công ba quả đạn B41 còn nguyên thuốc nổ.

Hủy nổ xong đạn, chiến sĩ tiếp tục đào mở rộng, lấy lên được hai hài cốt, bên cạnh có các di vật như dày, thắt lưng, áo trấn thủ, tăng võng. Một lần đào đất tìm kiếm và cất bốc một phần mộ khoảng hai tiếng. Hài cốt cùng di vật được bóc tách tỉ mỉ, sau đó đưa về doanh trại bỏ vào hòm tập thể, đem vào khu thờ tự tại doanh trại, hết đợt quy tập thì về nghĩa trang Nầm ở huyện Hương Sơn. Với những liệt sĩ chưa biết tên, hàng năm mẫu xương sẽ được gửi đi Bộ Quốc phòng xét nghiệm dựa trên đề nghị của nhiều thân nhân.

Tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào

Độ quy tập thắp hương sau khi tìm thấy một hài cốt tại Lào, mùa khô 2021-2022. Ảnh: Đức Lê

Thượng tá Nguyễn Đức Dũng, Chính trị viên Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh, nói có những đợt hành quân tìm kiếm rất suôn sẻ, trong một buổi là tìm thấy, nhưng có những vị trí đào đi đào lại hàng chục lần mới lộ ra hài cốt, đôi khi chỉ lệch một nhát xẻng là cả chuyến đi công cốc.

"Vì vậy, hôm nào tìm được hài cốt và di vật thì ai cũng thoải mái. Còn nếu ngược lại, cả nhóm lòng nặng trĩu", thượng tá Dũng nói.

Từ năm 1949 đến 1989, Việt Nam cử các lực lượng quân sự tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng Lào, tổ chức thành hệ thống riêng và lấy tên là quân tình nguyện. Hàng nghìn người đã hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể tại chiến trường nước bạn. Nhà chức trách Việt Nam và Lào hàng năm tổ chức các đợt quy tập hồi hương hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh hai nước được giao phối hợp chủ trì.

Với 145 km đường biên giới tiếp giáp, Hà Tĩnh và một số tỉnh của Lào có mối quan hệ gắn kết về kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua các cuộc chiến, gần 1.000 liệt sĩ, 2.000 thương binh của tỉnh đã ngã xuống và bị thương ở Lào. Từ năm 1999 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn công tác đặc biệt phối hợp với chính quyền nước bạn tìm kiếm, cất bốc được 660 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh.

Đức Hùng

Theo vnexpress.net

Tìm mộ liệt sĩ trên đất Lào - Đời Sống