Bất lực nhìn sóng gió ngoạm ghe tàu trong cơn mưa lốc

01/04/2022 11:1
Phú Yên- Ghe tàu tan nát, “còn gì lượm nấy”... Đó là tình cảnh của hàng trăm gia đình ở những xã ven biển tỉnh Phú Yên sau trận mưa lốc bất ngờ ngày 31.3.

Thẩn thờ nhìn con tàu “gắn bó như máu thịt” của mình giữa mịt mù sóng biển, ngư dân Lê Tiến (trú thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) mắt rưng rưng: “Hư hết rồi. Tàu của tôi công suất 90CV, làm nghề lưới rút. Hôm giờ trời gió nên không đi đậu trong cảng, gần sáng thấy mưa lớn rồi gió như bão tôi đã lo. Chờ đến sáng ra thì tan tác hết trơn trọi, không làm gì được”.

Bất lực nhìn sóng gió ngoạm ghe tàu trong cơn mưa lốc

Nhiều ngư dân thẫn thờ nhìn con tàu mưu sinh của mình tan nát sau trận mưa lốc bất ngờ vào tháng đi biển. 

Tại khu vực Hòn Yến, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, ngư dân bất chấp sóng lớn, vận chuyển từng chiếc lồng nuôi trồng thủy sản bằng thúng chai, hy vọng cứu vớt được bao nhiêu thì được. Số lồng nuôi còn lại, bà con tiếp tục nhấn chìm xuống đáy để tránh nước lũ và sóng biển giật mạnh, triều cường dâng cao.

Bà Phạm Thị Thiền (trú xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) xót xa nói: “Mấy lần là chuẩn bị kỹ lắm nhưng lần này đâu có ngờ. Nếu chuẩn bị kỹ thì đâu có vậy, cả 5 lồng tôm hùm ươm cuốn đi đâu hết”.

Ông Huỳnh Văn Khoa- Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Mưa kèo theo gió lớn lốc xoáy khiến 2 người đang mất tích khi đang ở trên ghe. Có 33 ghe tàu bị chìm, riêng xã An Hoà Hải là 27 chiếc. Số tôm hùm ươm tại cửa biển 2.450 lồng/7.900 con bị sóng đánh, thiệt hại khoảng 144 tỉ; 1.197ha/2.725ha lúa vụ Đông Xuân bị ngã đổ... Thiệt hại sơ bộ ước khoảng 157 tỉ đồng.

“Hiện địa phương đang huy động lực lượng hỗ trợ ngư dân đưa ghe bị chìm tấp gần bờ lên bờ. Sóng vẫn còn lớn nên chưa trục vớt được số ghe chìm. Cần nhất bây giờ là di chuyển lồng tôm hư ngoài biển vào cho bà con, kéo 3 ghe tấp vào bờ. Cơn lốc kéo qua hồi giờ chưa có, nhất là mùa này” ông Khoa nói.

Cũng tan tác như biển Tuy An, bãi biển Long Thuỷ, xã An Phú (TP. Tuy Hoà) chưa bao giờ có đông người đến vậy. Người ta đến đây không phải vì tò mò mà vì “kéo được cái gì cho bà con thì kéo, lượm lại được cái gì thì lợm".

Anh Đỗ Công Hoan có con tàu 90CV, khi thấy mưa gió quần như bão anh liền cùng nhiều ngư dân trong thôn lao ra biển để cứu tàu. Anh nói: "Cố chạy đi nhưng không được, không kịp nên tôi đành bất lực phó mặc nhìn tàu bị sóng cuốn để giữ mạng. Không ai nghĩ tàu tan ngay trước mắt mình mà bất lực như thế này". 

Bất lực nhìn sóng gió ngoạm ghe tàu trong cơn mưa lốc

Những con tàu còn sót lại trên bãi biển xã An Phú, TP. Tuy Hoà. 

Ông Ngô Đức Hiên - chủ tịch UBND xã An Phú cho biết: “Mưa lớn kèm theo sóng lớn xuất hiện từ khoảng 4h đến 7h sáng 31.3. Đến chiều 31.3 thống kê được 35 ghe, tàu của bà con trong xã bị đánh chìm. Hơn 1.000 người đã được huy động để hỗ trợ bà con cứu những tàu tấp vào gần bờ và những dựng cụ trôi dạt. Cả xã có hơn 100 tàu thì giờ mất 35 tàu thiệt hại”.

Nhiều người dân sống lâu năm ở các xã ven biển Phú Yên đều khẳng định chưa khi nào chứng kiến trận mưa lớn kèm gió lốc nào mạnh như vậy vào mùa tháng 3.

Ông Nguyễn Dư (trú xã An Phú) lau nước mắt nói: “4h sáng gió bất ngờ nổi lớn như có bão. Tàu tôi neo gần bờ, bị bứt neo, sóng đánh vỡ nát, chìm mất luôn rồi. Mà không chỉ tôi cả xã  mấy chục chiếc. Không biết rồi ngày mai lấy gì để sống" - ông Dư nói rồi lại đứng lên đội mưa ra biển để cùng những người khác cứu con tàu bị đánh vào bờ.

Mặc dù đã chủ động phòng chống thiệt hại từ trước, nhưng do mưa to, gió lớn, sóng biển dữ dội ngoài sức tưởng tượng, nên cả chính quyền và ngư dân đều không kịp trở tay. 

Bất lực nhìn sóng gió ngoạm ghe tàu trong cơn mưa lốc

Người dân ra biển cố để vớt lại được ít tài sản. 

Theo ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: “Nói chung dự báo là vậy nhưng thiệt hại thực tế là quá lớn. Chúng tôi vẫn còn người mất tích nên cố gắng tìm kiếm. Vấn đề tiếp theo là cố gắng phục hồi những gì còn sót lại”.

Thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đến nay đã có 2 người mất tích; 2 nhà sập hoàn toàn, 10 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Có 91 ghe, thuyền bị chìm (Tuy An 33 chiếc, thị xã Sông Cầu 23 chiếc, TP.Tuy Hòa 30 chiếc, thị xã Đông Hòa 5 chiếc), 2.000 lồng/600.000 con tôm hùm ươm (xã An Hòa Hải) và 450 lồng/190.000 tôm hùm ươm bị hư hỏng, trôi dạt. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính sơ bộ hơn 170 tỉ đồng.

Phú Yên Ghe tàu chìm ở Phú Yên Mưa lốc bất thường ở miềng trung Làng biển Phú Yên tan hoang sau mưa lốc bất thường Mưa lớn trái mùa khiến 50 ghe tàu bị đánh chìm ở Phú Yên

Theo laodong.vn

Bất lực nhìn sóng gió ngoạm ghe tàu trong cơn mưa lốc - Môi Trường